Bát Nhã Trực Giải Thanh Đàm Minh Chính

Do Thiền Sư biên soạn và viết lời tựa vào năm Thiệu trị thứ 3, Quý Mão(1843). Tàng bản tại chùa Bích Động, khắc ván và lưu hành tại chùa Vĩnh Nghiêm.

Nội dung nhằm giải nghĩa, nêu rõ Tâm Tông, diệu nghĩa của Kinh Bát Nhã. Gồm hai phần là Trực Giải và Kệ Tụng.

"Kinh nầy, đức Phật muốn khiến cho tất cả chúng sanh lìa bỏ sanh diệt, sống lại với thể chân như, chẳng sanh chẳng diệt. Nên Phật nói tâm kinh dạy người tu hành muốn trở về chân như, chứng diệu quả Niết Bàn rốt ráo chẳng sanh chẳng diệt, phải nương theo nhân địa và pháp môn của Bồ tát Quán Tự Tại đã tu, thực hành sâu vào một môn mới soi thấy rõ năm uẩn đều không. Nếu ngộ được uẩn không thì thật tướng chân không bản nhiên rõ ràng, chẳng từ nơi người khác mà được, cũng chẳng phải đợi nói năng chỉ bày rồi mới biết. Kinh Lăng Nghiêm nói: "Tâm phàm chưa hết, hết tức Bồ đề, chỉ dứt tình phàm, riêng không thánh giải". Ví như lau gương, chẳng phải lau gương mà là lau bụi, bụi hết ánh sáng tự hiện, cũng chẳng từ nơi khác mà được. Nên biết Kinh nầy nương theo Ngài Quán Tự Tại soi thấy rõ năm uẩn đều không, đấy là cứu cánh."